Trong canh tác hữu cơ, việc phòng trừ sâu bệnh hại bằng các loại thuốc BVTV là điều không thể. Từ đó, người canh tác cần có những biện pháp tận dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên một cách hiệu quả và an toàn. Có rất nhiều công thức hữu ích từ thiên nhiên đã và đang được áp dụng, hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1/ Cách dùng chung cho các loại nguyên liệu
Hiệu quả của một số cây loại cây có thể khác nhau ở từng nơi, từng mùa vụ, ngay cả trong cùng một mùa và tùy thuộc từng loại côn trùng, sự trưởng thành của chúng và tuổi của cây. Người sử dụng nên tiến hành thử nghiệm để tìm xem cây nào và hỗn hợp nào phù hợp nhất cho điều kiện ở trên cây trồng của mình.
Tất cả mọi pha chế từ nguyên liệu thực vật cần phải được sử dụng ngay và không được để ra ánh sáng mặt trời trước khi sử dụng. Thời gian tốt nhất để sử dụng những hỗn hợp trừ sâu là vào chiều tối. Chúng sẽ hiệu quả hơn đối với sâu bọ vào thời gian này trong khi đó ít ảnh hưởng xấu đến những côn trùng có ích như ong.
Lá cây có thể đem nghiền nhanh bằng cách vò với cát trong thùng. Thời gian pha chế có thể giảm đáng kể bằng cách đun thay vì ngâm. Đun sôi cho đến khi nước có màu đậm với dịch của cây: 10 phút cho hầu hết các loại cây.
2/ Các loại cây dùng làm nguyên liệu phòng trừ sâu bệnh hại
2.1 Cây hành tăm
Là loại cây thảo mộc có củ quanh năm. Giúp chống nấm, trừ sâu, xua đuổi sâu bọ nhẹ trên các đối tượng như: rệp vừng, bướm hại bắp cải, bét, vảy, thrip, ruồi hại cà chua, ve và bọ bay màu trắng, bệnh chết cây non do quá nhiều nước, bệnh tàn rụi muộn, bệnh đốm lá cà chua, chuột nhắt và chuột chũi. Bộ phận sử dụng: củ và lá
Ứng dụng: Công thức có thể thay đổi từ 10 – 100 g củ hành hoặc lá với một lít nước, để trong thùng có nắp 4 – 7 ngày trước khi phun. Có thể trồng hành để đuổi bướm hại bắp cải, chuột nhắt, chuột chũi và các loài gây hại khác.
Các tác dụng khác: Làm gia vị thức ăn, làm thuốc kháng sinh và khử trùng.
Lưu ý: Nước từ hành làm cay mắt.
2.2 Tỏi
Cây thảo mộc có củ hàng năm hoặc hai năm. Với tác dụng chống rầy, chống vi khuẩn, nấm, sâu bọ, giun tròn và làm chất đuổi sâu bọ. Đối tượng tác động: kiến, rệp, sâu khoang, bọ cánh cứng, chim, sâu bướm, bướm đêm lưng kim cương, ấu trùng, ruồi nhà, chuột nhắt, bét, chuột chũi, muỗi, giun tròn, sâu đục đào, mối, ve và động vật; nấm và vi khuẩn. Bộ phận sử dụng: Củ.
Ứng dụng: Đối với các loại sâu bọ khác nhau thì độ đậm đặc khác nhau. Thường dùng bằng cách: giã 1 củ tỏi trộn với 1 lít nước, bỏ vào một ít xà phòng và sử dụng ngay.
Ngoài ra, củ tỏi có thể mang phơi khô, giã ra và sử dụng như bột. Bột tỏi có thể làm thành nước phun chống bệnh nấm vảy, nấm mốc sương, gỉ sắt trên đậu và bệnh tàn rụi của cà chua. Trồng tỏi xung quanh cây ăn quả và những cây khác sẽ đuổi rệp vừng, sâu đục thân cây ăn quả như sâu đục đào, chuột nhắt, chuột chũi và mối.
Hỗn hợp làm với 3 củ tỏi đập nát để trong một cái lọ thủy tinh (chứ không phải bằng kim loại) với dầu hỏa để ngâm trong 2 ngày, lọc và cho thêm 10 lít nước xà phòng cũng là chất phun diệt hầu hết các loại côn trùng. Củ tỏi thường được trồng như là cây xua đuổi sâu bọ.
Lưu ý, tỏi là chất có phạm vi rộng nên cũng sẽ diệt cả côn trùng có ích và côn trùng có hại. Mùi còn lại trên cây đƣợc phun hoặc rắc trong vòng 1 tháng. Không dùng với các cây họ đậu.
2.3 Ớt, Ớt ngọt
Là cây bụi trồng lấy quả, có vị cay hoặc ngọt, thường dùng làm thức ăn gia vị.
Tác dụng: Trừ và xua đuổi sâu bọ.
Đối tượng: Côn trùng nói chung, nấm, vi khuẩn và vi rút.
Bộ phận sử dụng: Quả chín và hạt.
Ứng dụng: Xay 2 nắm ớt, ngâm vào 1 lít nước trong 1 ngày, lắc đều trong vài phút, lọc, cho thêm 5 lít nước và một ít xà phòng. Bột ớt có thể rắc vào quanh gốc cây để chống kiến, sâu ngài đêm, sên, ốc sên và nhiều loại côn trùng trong đất; nước từ quả ớt ngọt chống vi rút gây bệnh khảm và ngăn ngừa sự lây lan của các loại vi rút khác. Ớt thường được trồng làm cây thuốc trừ sâu bọ.
Lưu ý, lá cây có thể bị cháy nếu hỗn hợp quá đậm đặc.
2.4 Hoa cúc lá nhỏ
Mô tả: Cây có hoa giống như hoa cúc quanh năm.
Tác dụng: Trừ sâu với phạm vi rộng.
Đối tượng: Côn trùng nói chung.
Bộ phận sử dụng: Hoa.
Ứng dụng: Hái hoa vào ngày nóng, phơi dưới bóng râm, xay thành bột, rắc lên sâu bọ; đổ một lít nước sôi vào 50g hoa cúc (hoặc 20g bột), ngâm một vài giờ, cho thêm một ít xà phòng, lọc và mang phun.
2.5 Cúc vạn thọ
Mô tả: Cây thảo mộc thẳng trồng hàng năm.
Tác dụng: Chống vi khuẩn, trị độc, chống nấm, trừ sâu, giun tròn và là cây xua đuổi côn trùng
Đối tượng: Nhiều loại côn trùng kể cả kiến, bọ cánh cứng, tuyến trùng và nấm, bệnh tàn rụi muộn.
Bộ phận dùng: Cả cây
Ứng dụng: Vò 100 – 200g lá, rễ, hoa, đổ vào 1 lít nước sôi, ngâm trong 24 giờ, cho thêm 1 lít nước lạnh, phun vào cây hoặc vào đất; trồng luân canh chống giun tròn; trồng xen canh như là cây xua đuổi bọ cánh cứng.
2.6 Cây cứt lợn
Mô tả: Cây bụi xâm lấn quanh năm.
Tác dụng: Tiếp xúc với chất độc
Đối tượng: Nhiều loại côn trùng
Bộ phận sử dụng: Lá, hoa, cành
Ứng dụng: Vò một nắm lá trong 1 lít nước, cho thêm một ít xà phòng mang phun; đốt lấy tro để rắc; phơi khô và nghiền thành bột mang rắc. Đốt cành và mang tro rắc lên bọ cánh cứng và sâu đục lá.
Lưu ý, độc đối với gia súc.
2.7 Ớt và tỏi
Khuấy 1 củ tỏi dã nhỏ hoặc sắt nhỏ với 1 thìa cà phê bột ớt trong 2 lít nước nóng, để nguội, lọc, cho thêm một ít xà phòng mềm và khuấy đều.
Phun chống sâu hại trên cây ăn quả.
2.8 Ớt, tỏi và hành
Băm hoặc giã 1 củ tỏi, 1 củ hành và 1 thìa ớt cay và trộn với 1 lít nước, để 1 giờ, cho thêm 1 muỗng xà phòng nước. Phun chống côn trùng nói chung.
2.9 Ớt, cúc vạn thọ và hành
Băm 4 quả ớt, 4 củ hành và một nắm lá cúc vạn thọ. Cho một ít nước xà phòng lên trên, ngâm trong vòng 24 giờ, lọc và cho thêm 2 lít nước. Chất phun này được khuyến cáo đặc biệt cho nhện đỏ.